Bảng cân đối kế toán là gì? Hướng dẫn cách tính bảng cân đối kế toán chi tiết

Bảng cân đối kế toán là một trong bốn báo cáo quan trọng trong bộ báo cáo tài chính hàng năm của doanh nghiệp. Dựa vào bảng cân đối tài chính kế toán, doanh nghiệp theo dõi được tình hình sử dụng vốn, từ đó đưa ra  những chiến lược kinh doanh phù hợp trong tương lai. Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về bảng cân đối kế toán cũng như ý nghĩa của các yếu tố cấu thành nên báo cáo quan trọng này!

Bảng cân đối kế toán là gì?
Bảng cân đối kế toán là gì?

Bảng cân đối kế toán là gì?

1. Định nghĩa

Hiện nay, có ba chế độ kế toán hiện hành dành cho các doanh nghiệp tại Việt Nam là Thông tư 132/2018/TT-BTC (dành cho doanh nghiệp siêu nhỏ), Thông tư 133/2016/TT-BTC (dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ) và Thông tư 200/2014/TT-BTC (dành cho các doanh nghiệp nói chung). Về cơ bản, bảng cân đối kế toán của ba chế độ kế toán này là giống nhau. Ở đây, chúng ta sẽ đi sâu vào tìm hiểu bảng cân đối kế toán theo Thông tư 200/2014/TT-BTC dành cho các doanh nghiệp nói chung. 

Bảng cân đối kế toán hay bảng cân đối tài sản là báo cáo tổng hợp, phản ánh khái quát toàn bộ giá trị hiện có và nguồn gốc hình thành nên tài sản đó của doanh nghiệp. Trong đó, tổng tài sản luôn bằng tổng nguồn vốn tại một thời điểm nhất định.

2. Mẫu bảng cân đối kế toán theo Thông tư 200/2014/TT-BTC cập nhật 2023

Các bạn có thể tải về mẫu bảng cân đối kế toán theo Thông tư 200/2014/TT-BTC tại đây.

Ý nghĩa của các yếu tố cấu thành nên bảng cân đối tài chính trong doanh nghiệp

Như đã nói ở trên, bảng cân đối kế toán được chia thành hai phần chính là tổng tài sản và tổng nguồn vốn. Ý nghĩa cụ thể của từng phần như sau:

1. Tổng tài sản

Tổng tài sản là chỉ tiêu phản ánh tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp tại thời điểm báo cáo. Tổng tài sản được cấu thành bởi hai yếu tố là tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn.

  • Tài sản ngắn hạn: Gồm có các chỉ tiêu tiền và các khoản tương đương tiền, hàng tồn kho, đầu tư tài chính ngắn hạn, các khoản phải thu ngắn hạn, tài sản ngắn hạn khác. Chỉ tiêu này thể hiện tổng giá trị tiền, các khoản tương đương tiền, các tài sản ngắn hạn khác có thể dễ dàng chuyển đổi thành tiền, có thể bán hoặc sử dụng trong một chu kỳ kinh doanh (thường là 12 tháng).
  • Tài sản dài hạn: Bao gồm những chỉ tiêu là các khoản phải thu dài hạn, tài sản cố định, tài sản dở dang dài hạn, bất động sản đầu tư, đầu tư tài chính dài hạn và tài sản dài hạn khác. Đây là các loại tài sản có thời hạn thu hồi hoặc sử dụng trên một chu kỳ sản xuất (thường là trên 12 tháng).
Các yếu tố cấu thành nên bảng cân đối tài chính
Các yếu tố cấu thành nên bảng cân đối tài chính

2. Tổng nguồn vốn

Tổng nguồn vốn là chỉ tiêu phản ánh các nguồn hình thành nên tài sản tại thời điểm báo cáo. Tổng nguồn vốn được hình thành bởi hai yếu tố là nợ phải trả và vốn chủ sở hữu.

  • Nợ phải trả: phản ánh toàn bộ số nợ mà doanh nghiệp phải trả, bao gồm nợ ngắn hạn (các khoản nợ dưới 12 tháng hoặc dưới một chu kỳ sản xuất) và nợ dài hạn (các khoản nợ trên một chu kỳ sản xuất).
  • Vốn chủ sở hữu: bao gồm vốn chủ sở hữu và nguồn kinh phí khác. Chỉ tiêu này phản ánh toàn bộ số vốn góp của các cổ đông, thành viên góp vốn và tổng kinh phí sự nghiệp, dự án được cấp để chi tiêu cho hoạt động sự nghiệp.

Căn cứ và cách tính bảng cân đối kế toán

Để lập được bảng cân đối kế toán, các bạn phải dựa trên các số liệu trên sổ kế toán tổng hợp, sổ chi tiết, bảng cân đối tài khoản và bảng cân đối kế toán của năm trước liền kề.

Lập bảng cân đối kế toán cần dựa vào số dư cuối kỳ của các tài khoản
Lập bảng cân đối kế toán cần dựa vào số dư cuối kỳ của các tài khoản

Chúng ta căn cứ vào số dư cuối năm của các tài khoản để lập chỉ tiêu trong bảng cân đối kế toán. Thông thường, các tài khoản đầu 1, 2 sẽ sử dụng số dư bên nợ và tài khoản đầu 3, 4 sẽ sử dụng số dư bên có để tổng hợp trực tiếp lên bảng.

Tuy nhiên, các bạn cần lưu ý một số tài khoản lưỡng tính như Tài khoản 131 – phải thu khách hàng hoặc Tài khoản 331 – phải trả người bán (có cả dư có và dư nợ) và một số tài khoản có kết cấu ngược như Tài khoản 241 – hao mòn tài sản cố định, Tài khoản 229 – dự phòng tổn thất tài sản, Tài khoản 421 – lợi nhuận sau thuế chưa phân phối… để tổng hợp số liệu cho chính xác.

Mối quan hệ giữa bảng cân đối kế toán và bảng cân đối tài khoản

Bảng cân đối kế toán và bảng cân đối tài khoản có mối quan hệ khá chặt chẽ
Bảng cân đối kế toán và bảng cân đối tài khoản có mối quan hệ khá chặt chẽ

Trước khi đi vào xem xét mối quan hệ giữa hai loại báo cáo này, chúng ta cần tìm hiểu về bảng cân đối tài khoản là gì?

Bảng cân đối tài khoản là một phụ biểu của bộ báo cáo tài chính, phản ánh tình hình tăng, giảm số phát sinh trong năm của từng loại tài khoản. 

Hai loại báo cáo này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Bảng cân đối tài khoản là cơ sở để lập bảng cân đối kế toán, tức là, số dư cuối kỳ của các tài khoản (được thể hiện trên bảng cân đối tài khoản) sẽ được tổng hợp lại thành các chỉ tiêu trên bảng cân đối kế toán.

Có thể nói, bảng cân đối kế toán phản ánh thông tin một cách khái quát. Ngược lại, bảng cân đối tài khoản phản ánh một cách chi tiết từng tài khoản trong cả một chu kỳ kinh doanh.

Lời kết

Hy vọng rằng thông tin về bảng cân đối kế toán đã cung cấp sẽ đem lại cho bạn nhiều kiến thức bổ ích và hữu ích trong công việc kế toán, cũng như trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bằng cách hiểu rõ và áp dụng chính xác các nguyên tắc và quy tắc liên quan đến bảng cân đối kế toán, bạn sẽ có khả năng đánh giá và phân tích tình hình tài chính của doanh nghiệp một cách chính xác hơn, từ đó đưa ra những quyết định thông minh và cải thiện hiệu quả kinh doanh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *