Cách hạch toán chi phí lãi vay hợp lý và không hợp lý

  • Tác giả: lucy
  • Cập nhật: 26/07/2023
  • 31 phút đọc
Tóm tắt nội dung

Chi phí lãi vay là gì?

Chi phí lãi vay là một nội dung quan trọng và khó trong tài chính kế toán của doanh nghiệp. Khoản mục này không giống như các chi phí khác, chúng phụ thuộc vào nhiều yếu tố để xác định là hợp lý khi quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp. Hãy cùng ASFY TECH tìm hiểu kỹ hơn về nội dung này cũng như cách hạch toán chi phí lãi vay trong doanh nghiệp.

Chi phí lãi vay là chi phí phải trả cho khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh. Nói cách khác, đây chính là số tiền lãi của khoản vay sau một kỳ hạn đã được xác định trước. Các loại chi phí lãi vay theo chuẩn mực kế toán số 16 ban hành theo Quyết định số 165/2002/QĐ-BTC là:

  • Chi phí tài chính của tài sản đi thuê tài chính.
  • Lãi vay ngắn hạn và dài hạn tính cả lãi vay trên các tài khoản thấu chi.
  • Phần chi phí phụ phát sinh liên quan trong quá trình làm thủ tục vay (theo quy định).
  • Khoản được chiết khấu hoặc phụ trội bị phát sinh liên quan đến tới khoản vay vì phát hành trái phiếu.

Ghi nhận chi phí lãi vay

Việc ghi nhận chi phí lãi vay phải dựa trên quy định của pháp luật. Cụ thể theo chuẩn mực kế toán số 16 của Quyết định số 165/2002/QĐ-BTC và hướng dẫn thực hiện chuẩn mực kế toán số 16 ban hành theo Thông tư số 161/2007/TT-BTC, quy định:

Trường hợp chi phí đi vay (không bao gồm chi đi vay đủ điều kiện vốn hoá) phải được ghi nhận vào chi phí tài chính trong kỳ thực hiện theo chế độ kế toán hiện hành (Ghi nhận vào tài khoản (TK) 635 – Chi phí tài chính). Điều kiện vốn hoá của chi phí lãi vay quy định tại Quyết định số 165/2002/QĐ-BTC của bộ tài chính. Ngoài ra, bạn đọc có thể tìm đọc các văn bản pháp luật sau để chi tiết hơn về nội dung của chi phí lãi vay của doanh nghiệp.

Quy định về chi phí lãi vay trong các giao dịch liên kết tham khảo Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ban hành ngày 05/11/2020.

Quy định các khoản chi phí lãi vay không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tham khảo tại điều 4 của Thông tư số 96/2015/TT-BTC ban hành ngày 22/06/2015.

Ghi nhận chi phí lãi vay
Ghi nhận chi phí lãi vay

Cách hạch toán chi phí lãi vay hợp lý cụ thể

Như vậy, chi phí lãi vay hợp lệ là các chi phí đáp ứng đủ 2 điều kiện: mức lãi suất của khoản vay không vượt quá 150% lãi suất cơ bản do ngân hàng nhà nước quy định, công bố và doanh nghiệp đã góp đủ vốn điều lệ theo tiến độ góp vốn được quy định trong điều lệ doanh nghiệp. Ngoài ra, các bên cần phải có hợp đồng vay tiền, khế ước nhận nợ và các chứng từ thanh toán liên quan không dùng tiền mặt.

Sau đây là cách hạch toán từng trường hợp chi phí lãi vay hợp lý theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC:

  • Định kỳ, thanh toán chi phí lãi vay
    • Nợ TK 635 – Chi phí tài chính;
    • Có TK 112 – Tiền gửi ngân hàng.
  • Nếu doanh nghiệp trả lãi trước cho nhiều kỳ:
    • Khi trả lãi, kế toán hạch toán:
      • Nợ TK 242 – Chi phí trả trước;
      • Có TK 112 – Tiền gửi ngân hàng.
    • Khi phân bổ vào chi phí, ghi:
      • Nợ TK 635 – Chi phí tài chính;
      • Có TK 242 – Chi phí trả trước.
  • Nếu kết thúc hợp đồng, khế ước vay, doanh nghiệp mới trả lãi, hạch toán:
    • Định kỳ, trích trước lãi vay, ghi:
      • Nợ TK 635 – Chi phí tài chính;
      • Có TK 335 – Chi phí phải trả.
    • Khi trả lãi, ghi:
      • Nợ TK 335 – Chi phí phải trả;
      • Có TK 112 – Tiền gửi ngân hàng.
  • Tiền lãi thuê định kỳ phải trả khi doanh nghiệp có tài sản cố định thuê tài chính (bên thuê), hạch toán:
    • Nợ TK 635 – Chi phí tài chính (tiền trả lãi thuê từng kỳ);
    • Có TK 111,112 (nếu thanh toán ngay);
    • Có TK 341 – Vay và nợ thuê tài chính (cụ thể là TK 3412) (nếu nhận nợ).
  • Lãi trả chậm của tài sản được doanh nghiệp mua theo phương thức trả góp, trả chậm, hạch toán:
    • Khi mua tài sản, hạch toán:
      • Nợ các TK 152, 153, 156, 211, 213 (theo giá mua trả tiền ngay);
      • Nợ TK 133 – Thuế giá trị gia tăng (GTGT) được khấu trừ (nếu có);
      • Nợ TK 242 – Chi phí trả trước (phần lãi trả chậm);
      • Có TK 331 – Phải trả cho người bán (tổng giá thanh toán).

Trong đó: Phần lãi trả chậm là số tiền chênh lệch giữa tổng số phải trả trừ đi giá mua thanh toán ngay (Chưa bao gồm thuế GTGT được khấu trừ).

  • Định kỳ phân bổ lãi trả chậm vào chi phí:
    • Nợ TK 635 – Chi phí tài chính;
    • Có TK 242 – Chi phí trả trước.
Hạch toán chi phí lãi vay hợp lý cụ thể
Hạch toán chi phí lãi vay hợp lý cụ thể

Các khoản chi phí lãi vay không hợp lý được hạch toán như thế nào?

Có rất nhiều khoản chi phí lãi vay trong đầu tư tài sản, bổ sung hàng tồn kho, vay thanh toán tiền hàng,… không được ghi nhận là chi phí hợp lý. Khi đó, kế toán hạch toán như sau:

  • Nợ TK 811 – Chi phí khác;
  • Có TK 111, 112.

Cuối kỳ, kết chuyển:

  • Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh;
  • Có TK 811 – Chi phí khác.

Với những khoản lãi vay không được ghi nhận là hợp lý, cuối kỳ, kế toán viên sẽ phải loại chi phí này trên chỉ tiêu B4 của tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.

Hạch toán chi phí lãi vay không hợp lý
Hạch toán chi phí lãi vay không hợp lý

Ví dụ:

Doanh nghiệp A đăng ký trên giấy phép đăng ký kinh doanh số vốn điều lệ là 5.000.000.000 đồng. Nhưng các cổ đông mới chỉ góp 4.500.000.000 đồng, tức là còn thiếu 500.000.000 đồng và bị chậm góp vốn điều lệ 2 tháng so với cam kết, tại ngày 01/01/20X1. Tới ngày 01/03/20X1 thì vốn điều lệ đã được góp đủ.

Doanh nghiệp A vay ngân hàng B số tiền 1.000.000.000 đồng trong vòng 6 tháng với lãi suất 9%/năm từ ngày 01/01/20X1. Như vậy, chi phí lãi vay mà doanh nghiệp A phải trả hàng tháng là: 1.000.000.000 * 0.09/12 = 7.500.000 (đồng).

Do doanh nghiệp A chưa góp đủ vốn điều lệ, nên phần chi phí lãi vay tương ứng với phần vốn góp còn thiếu sẽ không được coi là hợp lý để tính thuế TNDN. Cụ thể:

  • Chi phí lãi vay không hợp lý: 500.000.000*(9%/12)*2 = 7.500.000 (đồng)
  • Chi phí lãi vay hợp lý: 7.500.000*6 – 7.500.000 = 37.500.000 (đồng)

Kế toán hạch toán chi phí lãi vay như sau: 

Phần chi phí lãi vay được tính là chi phí hợp lý khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp hạch toán tài khoản 635. Phần chi phí lãi vay không được tính là chi phí hợp lý khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp hạch toán tài khoản 811

  • Trong 2 tháng đầu, kế toán thực hiện hạch toán khi thanh toán lãi vay từng tháng như sau:
    • Nợ TK 811:          3.750.000 đồng 
    • Nợ TK 635:          3.750.000 đồng 
    • Có TK 112:           7.500.000 đồng
  • Sau 2 tháng đầu, kế toán tiến hành hạch toán khi thanh toán lãi vay từng tháng như sau:
    • Nợ TK 635:          7.500.000 đồng
    • Có TK 112:           7.500.000 đồng

Lời kết

Hiểu rõ các quy định và cách hạch toán chi phí lãi vay sẽ giúp doanh nghiệp hạn chế được những sai sót khi xác định chi phí hợp lý để tính thuế thu nhập cho doanh nghiệp. Hy vọng bài chia sẻ trên đây đã thực sự hữu ích với mọi người. Chúc mọi người vui vẻ!


User Avatar

0 Bình luận

Bài viết nổi bật

Cùng lắng nghe những chia sẻ của chúng tôi để thấy được cách chúng tôi làm việc hiệu quả và những kinh nghiệm đúc rút của chúng tôi mang lại nhiều giá trị cho khách hàng Xem nhiều hơn