Có thể nói, chuỗi cung ứng là một trong những hệ thống rất quan trọng trong doanh nghiệp, việc vận hành chuỗi cung ứng cũng đòi hỏi sự phối hợp của nhiều bộ phận, phòng ban và ban lãnh đạo công ty. Để hiểu rõ hơn, chúng ta hãy cùng theo dõi những thông tin tổng quan về hệ thống này ở bài viết dưới đây.
Chuỗi cung ứng là gì?
Chuỗi cung ứng (Supply Chain) là hệ thống bao gồm những tổ chức, thông tin, hoạt động, con người và các nguồn lực khác có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến vận chuyển hàng hóa, dịch vụ từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng. Một chuỗi cung ứng không chỉ có nhà sản xuất, nhà cung cấp, đại lý bán lẻ, vận tải, kho bãi, khách hàng mà hệ thống này còn bao gồm cả dòng nguyên liệu, thông tin và cả dòng vốn.
Nếu nhìn trên khía cạnh của một tổ chức, doanh nghiệp thì chuỗi cung ứng sẽ có sự tham gia của tất cả các phòng ban, cụ thể như phòng kinh doanh, phòng phát triển sản phẩm, phòng tài chính – kế toán, marketing, nhân sự, chăm sóc khách hàng… Các phòng ban này sẽ liên kết với nhau tạo thành một khối thống nhất với mục tiêu trước mắt là đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng, về lâu dài là gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Ví dụ:
Một ví dụ về chuỗi cung ứng các hàng tiêu dùng bằng nhựa. Đầu tiên, doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu đầu vào là hạt nhựa, nhập kho sau đó đưa vào sản xuất để tạo ra các thành phẩm (trong khâu sản xuất có thể phát sinh những hạng mục nhỏ như đầu tư trang thiết bị, mua chất phụ gia, thuê chuyên gia tư vấn…). Thành phẩm tạo ra sẽ trải qua các khâu kiểm duyệt nội bộ, kiểm tra chất lượng trước khi phân phối cho hệ thống siêu thị hay đại lý bán lẻ.
Song song với việc đưa sản phẩm ra thị trường, doanh nghiệp sẽ tiến hàng các chiến dịch marketing, PR nhằm để thu hút khách hàng. Cuối cùng là người tiêu dùng mua và sử dụng sản phẩm.
Thành phần của chuỗi cung ứng bao gồm các yếu tố nào?
Một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh sẽ bao gồm năm thành phần cơ bản sau đây:
- Nhà cung cấp nguyên liệu: Được coi là mắt xích đầu tiên trong chuỗi cung ứng. Nguyên liệu đầu vào phải đảm bảo chất lượng mới có thể sản xuất ra những thành phẩm tốt.
- Nhà sản xuất: là đơn vị sử dụng nguyên liệu thô để sản xuất ra thành phẩm. Nhà sản xuất sẽ phải trang bị đầy đủ nhà xưởng, máy móc, thiết bị để phục vụ cho quá trình sản xuất.
- Nhà phân phối: là một trong những trung gian giữa đơn vị sản xuất và khách hàng. Tuy nhiên, nhà phân phối rất ít khi bán lẻ, họ thường chỉ giao hàng hóa với số lượng lớn. Vì vậy, các đơn vị phân phối sẽ liên kết với đại lý bán lẻ để bán sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
- Đại lý bán lẻ: Có nhiệm vụ trực tiếp đem sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Đại lý bán lẻ là thành phần thấp hơn nhà phân phối và thường là các siêu thị, tạp hóa, cửa hàng tiện lợi…
- Khách hàng: là mắt xích cuối cùng trong chuỗi cung ứng, giúp nhà sản xuất, nhà phân phối và đơn vị bán lẻ tiêu thụ hàng hóa. Một số rất ít trường hợp, khách hàng sẽ mua trực tiếp hàng hóa từ nhà phân phối, tất nhiên sẽ với số lượng lớn nhưng đa số đây sẽ là các hộ kinh doanh nhỏ, tiệm tạp hóa gia đình…
Năm thành phần trên có mối quan hệ mật thiết và liên quan chặt chẽ với nhau. Bất kể một yếu tố nào gặp trục trặc sẽ đều ảnh hưởng trực tiếp đến cả chuỗi cung ứng. Vì vậy, hơn ai hết, các nhà cung cấp nguyên liệu và nhà sản xuất cần phải làm tốt công việc của mình, sản xuất ra những mặt hàng chất lượng. Bên cạnh đó, nhà phân phối, đại lý bán lẻ lại cần tìm cách tiếp cận tốt nhất đến khách hàng, giới thiệu mặt hàng để có mức tiêu thụ tốt nhất.
Mô hình hoạt động chuỗi cung ứng tại Việt Nam
Có ba mô hình chính về chuỗi cung ứng tại Việt Nam hiện nay là chuỗi cung ứng đơn giản, mở rộng và điển hình.
1. Chuỗi cung ứng đơn giản
Bao gồm ba đối tượng tham gia là Nhà cung cấp, Doanh nghiệp và Khách hàng. Trong đó, Nhà cung cấp sẽ chịu trách nhiệm cung ứng nguyên liệu đầu vào. Doanh nghiệp sử dụng nguồn nguyên vật liệu đó kết hợp với nhân lực và công nghệ để sản xuất ra hàng hóa, dịch vụ cung ứng cho người tiêu dùng.
2. Chuỗi cung ứng mở rộng
Bao gồm chuỗi cung ứng đơn giản và các đối tượng tham gia khác như đơn vị logistics, công ty tư vấn tài chính, đơn vị quảng cáo… Những thành tố này có chức năng kết nối doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng cuối cùng.
3. Chuỗi cung ứng điển hình
Là mô hình bao gồm nhiều Nhà cung cấp, nhiều phân xưởng sản xuất và phân phối sỉ lẻ sản phẩm qua nhiều đại lý hoặc hệ thống. Các mối quan hệ này liên kết chặt chẽ với nhau tạo nên một mạng lưới. Dòng thông tin, sản phẩm, dịch vụ sẽ được luân chuyển liên tục, mỗi phòng ban sẽ có một chức năng riêng, chuyên môn hóa và cụ thể hơn.
Lời kết
Hy vọng với những thông tin tổng quan về chuỗi cung ứng mà bài viết đã cung cấp trên đây đã giúp các bạn hiểu hơn phần nào về các hoạt động sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp. Chúc các bạn thành công!