Công việc kiểm toán ngày càng trở nên quan trọng trong hoạt động tài chính kế toán của doanh nghiệp. Nó không chỉ giúp doanh nghiệp rà soát lại những sai sót mà còn củng cố thêm mức độ tin cậy của những số liệu đã công bố. Vậy, kiểm toán là gì? Cùng chúng tôi tìm hiểu kỹ hơn về hoạt động này cũng như các quy trình thực hiện công việc này.
Kiểm toán là gì?
Kiểm toán là thuật ngữ dùng để miêu tả hoạt động đánh giá, kiểm tra và đưa ra kết luận cụ thể về tính hợp pháp của số liệu, tài liệu kế toán, báo cáo tài chính của tổ chức, doanh nghiệp. Nói cách khác, kiểm toán là công việc kiểm tra lại các thông tin tài chính được cung cấp bởi kế toán nhằm đối chiếu và xác định mức độ phù hợp giữa thông tin đo và các chuẩn mực được thiết lập.
Nghề kiểm toán đòi hỏi bạn phải am hiểu các kiến thức tài chính, kế toán đồng thời nắm chắc luật, quy định, quy chế điều chỉnh. Từ đó mới đưa ra được những đánh giá đúng đắn cho doanh nghiệp.
Tầm quan trọng của kiểm toán
Tầm quan trọng của kiểm toán được thể hiện ở 4 khía cạnh sau đây:
Đảm bảo tính minh bạch và niềm tin: Kiểm toán giúp xác minh tính chính xác của thông tin tài chính, từ đó tăng cường niềm tin từ các bên liên quan như cổ đông, nhà đầu tư và khách hàng.
Quản lý rủi ro và cải thiện hiệu quả hoạt động: Kiểm toán giúp phát hiện sai sót, rủi ro tiềm ẩn và nâng cao hiệu quả hệ thống kiểm soát nội bộ, từ đó cải thiện quá trình vận hành của doanh nghiệp.
Tuân thủ pháp lý và chuẩn mực kế toán: Kiểm toán đảm bảo doanh nghiệp tuân thủ các quy định pháp luật và chuẩn mực kế toán, giảm thiểu rủi ro pháp lý và tài chính cho tổ chức.
Thúc đẩy phát triển bền vững và uy tín doanh nghiệp: Kiểm toán góp phần tạo dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và củng cố uy tín trên thị trường.
Phân loại kiểm toán
Việc phân loại kiểm toán giúp xác định rõ vai trò, mục tiêu và phương pháp thực hiện, đảm bảo quá trình đánh giá đạt hiệu quả cao nhất. Dựa trên các tiêu chí khác nhau như chủ thể thực hiện, mục đích hay phạm vi, kiểm toán được chia thành nhiều loại, mỗi loại mang lại những giá trị riêng biệt.
Theo chủ thể thực hiện
Kiểm toán nhà nước: Do cơ quan nhà nước tiến hành theo luật định và không mất phí, hoạt động kiểm toán này được thực hiện với các đối tượng là công ty, doanh nghiệp nhà nước. Cũng như các hoạt động kiểm toán khác, kiểm toán nhà nước đánh giá, rà soát lại mức độ tin cậy và tính xác thực trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
Kiểm toán độc lập: Đây là hoạt động do các công ty độc lập chuyên về dịch vụ kiểm toán thực hiện. Kiểm toán viên có nhiệm vụ kiểm tra lại báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Kiểm toán độc lập nhận được sự tin cậy lớn từ bên thứ ba vì đảm bảo được tính xác thực của doanh nghiệp.
Kiểm toán nội bộ: Là hoạt động do chính các kiểm toán viên trong nội bộ công ty thực hiện. Thông thường, kiểm toán nội bộ chỉ nhằm kiểm tra, rà soát và đánh giá lại hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty chứ không nhận được sự tin cậy từ các nhà đầu tư hoặc các đối tác kinh tế.
Theo mục đích hoạt động
Kiểm toán báo cáo tài chính: Đây là loại kiểm toán nhằm xác minh tính trung thực, hợp lý của các báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán. Kiểm toán báo cáo tài chính giúp các bên liên quan nắm được tình hình tài chính thực tế, đảm bảo thông tin minh bạch và đáng tin cậy.
Kiểm toán tuân thủ: Kiểm toán tuân thủ đánh giá mức độ tuân thủ các quy định pháp luật, chính sách hoặc quy trình nội bộ của tổ chức. Loại kiểm toán này đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp diễn ra đúng quy định, tránh rủi ro pháp lý hoặc hành chính.
Kiểm toán hoạt động: Loại kiểm toán này tập trung vào việc đánh giá tính kinh tế, hiệu quả và hiệu suất của các hoạt động hoặc dự án cụ thể. Kiểm toán hoạt động giúp tổ chức tìm ra các điểm yếu và đề xuất cải thiện, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và vận hành.
Theo phạm vi kiểm toán
Kiểm toán toàn diện: Kiểm toán toàn diện là quá trình kiểm tra mọi khía cạnh của tổ chức, từ tài chính, tuân thủ đến hoạt động. Với mục tiêu bao quát, loại kiểm toán này cung cấp một bức tranh tổng thể, giúp đánh giá toàn diện và đề xuất chiến lược cải tiến.
Kiểm toán từng phần: Kiểm toán từng phần chỉ tập trung vào một số bộ phận, khoản mục hoặc lĩnh vực cụ thể. Với phạm vi hẹp, loại kiểm toán này thường được thực hiện để xử lý các vấn đề rủi ro cao hoặc kiểm tra các khu vực có dấu hiệu bất thường.
Theo thời gian thực hiện
Kiểm toán định kỳ: Kiểm toán định kỳ được lên kế hoạch và thực hiện thường xuyên, theo chu kỳ nhất định như hàng năm hoặc hàng quý. Hoạt động này giúp tổ chức duy trì sự minh bạch và tuân thủ liên tục trong quản lý tài chính và hoạt động.
Kiểm toán bất thường: Kiểm toán bất thường diễn ra khi có yêu cầu khẩn cấp hoặc phát sinh vấn đề cần làm rõ, như nghi ngờ gian lận. Đây là loại kiểm toán không báo trước, tập trung vào việc giải quyết nhanh chóng và hiệu quả các vấn đề cụ thể.
Các bước thực hiện công việc của kiểm toán viên
Quy trình các bước thực hiện công việc kiểm toán bao gồm 5 bước như sau:
Lập kế hoạch
Trong kế hoạch được lập ra sẽ bao gồm thời gian dự kiến cũng như các phương pháp tiến hành để thực hiện công việc kiểm toán. Việc lập báo cáo nhằm mục đích thu thập các thông tin về tình hình tài chính của doanh nghiệp phục vụ cho công tác kiểm tra, kiểm toán.
Xây dựng quy trình kiểm toán
Khi kiểm toán viên xây dựng quy trình kiểm toán đầy đủ, chi tiết thì việc thực hiện sẽ suôn sẻ và nhanh chóng hơn rất nhiều. Trong bước xây dựng quy trình, nhiệm vụ quan trọng nhất của người kiểm toán viên là xác định số lượng và sắp xếp thứ tự các bước kể từ điểm bắt đầu đến khi kết thúc công việc.
Sử dụng các phương pháp kiểm toán để đưa ra kết luận chính xác về số liệu
Để thu thập các thông tin phục vụ công tác kiểm toán, một số phương pháp thường được áp dụng có thể kể đến như đối chiếu trực tiếp, đối chiếu logic, kiểm toán cân đối, kiểm kê, điều tra, trắc nghiệm… Trên thực tế, kiểm toán viên có thể sẽ phải sử dụng tất cả các phương pháp trên để đưa ra kết luận chính xác nhất về các số liệu được công bố.
Ghi chép lại các nhận định
Thao tác này giúp kiểm toán viên ghi nhớ lại toàn bộ những nhận định, phát hiện trong quá trình kiểm tra, rà soát. Đây sẽ là những bằng chứng khách quan nhất để đưa ra kết luận cuối cùng. Doanh nghiệp sẽ dựa trên những nhận định này để có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Lập báo cáo, đưa ra kết luận
Cuối cùng, kiểm toán viên sẽ tổng hợp lại toàn bộ quá trình rà soát của mình và lập báo cáo trình lên cấp trên. Lưu ý, trong quá trình tổng hợp cần phải đưa ra những con số, bằng chứng cụ thể, sau đó mới kết luận và đề xuất hướng giải quyết cho từng vấn đề.
Lời kết
Có thể nói, kiểm toán là công việc góp phần tạo nên nền kinh tế tài chính lành mạnh và chất lượng. Hy vọng, sau bài viết này, bạn đọc là hiểu rõ hơn khái niệm về kiểm toán cũng như các công việc cần làm của một kiểm toán viên.
0 Bình luận