Nguyên tắc cơ sở dồn tích là một trong các nguyên tắc kế toán cơ bản và cực kỳ quan trọng. Để hiểu rõ hơn về nguyên tắc cơ sở dồn tích và cách vận dụng nguyên tắc này trong nghiệp vụ kế toán, hãy cùng chúng tôi phân tích trong phần bên dưới của bài viết.
Nguyên tắc cơ sở dồn tích được hiểu như thế nào?
Cơ sở dồn tích là nguyên tắc cơ bản mà kế toán cần sử dụng trong việc ghi nhận các nghiệp vụ kinh tế phát sinh tại doanh nghiệp, tổ chức. Nội dung của nguyên tắc này là phải ghi nhận mọi nghiệp vụ phát sinh liên quan đến tài sản, vốn chủ sở hữu, nợ phải trả, doanh thu và chi phí tại đúng thời điểm phát sinh nghiệp vụ đó, không căn cứ vào thời điểm mà doanh nghiệp thực tế chi tiền, thu tiền hoặc các khoản tương đương với tiền.
Báo cáo tài chính được lập dựa trên nguyên tắc cơ sở dồn tích sẽ phản ánh đúng tình hình tài chính của doanh nghiệp trong quá khứ và hiện tại. Từ đó, nhà lãnh đạo sẽ có sự điều chỉnh phù hợp trong tương lai.
Vận dụng nguyên tắc cơ sở dồn tích trong các nghiệp vụ kế toán
Kế toán cần vận dụng nguyên tắc cơ sở dồn tích trong việc ghi nhận các nghiệp vụ kinh tế phát sinh tại doanh nghiệp. Dưới đây là ba nghiệp vụ cụ thể thường xuyên phát sinh trong các doanh nghiệp:
1. Nghiệp vụ doanh thu
Theo nguyên tắc cơ sở dồn tích thì doanh thu sẽ được ghi nhận tại thời điểm phát sinh và thỏa mãn đủ năm điều kiện sau:
- Tập hợp được các chi phí liên quan đến giao dịch bán hàng;
- Doanh nghiệp xác định tương đối chắc chắn về khoản doanh thu;
- Doanh nghiệp không còn quyền quản lý và kiểm soát hàng hóa;
- Doanh nghiệp đã chuyển giao phần lợi ích và rủi ro liên quan đến hàng hóa cho người mua;
- Doanh nghiệp được lợi ích kinh tế từ việc bán hàng.
Ví dụ:
Ngày 08/05/2023, doanh nghiệp A xuất bán lô quạt với giá chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (GTGT) – VAT 10% là 90.000.000 đồng, kế toán xuất hóa đơn cùng ngày, khách hàng chưa thanh toán tiền. Ngày 25/06/2023 khách hàng chuyển khoản thanh toán toàn bộ lô quạt đã mua ngày 08/05/2023 số tiền là 99.000.000 đã bao gồm VAT 10%.
Như vậy, theo nguyên tắc cơ sở dồn tích, doanh nghiệp A sẽ ghi nhận doanh thu bán quạt là 90.000.000 đồng vào ngày 08/05/2023.
Kế toán hạch toán như sau:
- Nợ tài khoản (TK) 131: 99.000.000 đồng
- Có TK 511: 90.000.000 đồng
- Có TK 33311: 9.000.000 đồng
Ngày 25/06/2023, kế toán hạch toán như sau:
- Nợ TK 112: 99.000.000 đồng
- Có TK 131: 99.000.000 đồng
2. Nghiệp vụ chi phí
Cũng theo nguyên tắc cơ sở dồn tích, chi phí sẽ được ghi nhận tại thời điểm phát sinh mà không quan tâm đến việc doanh nghiệp đã chi tiền hay chưa. Ngoài ra, các khoản chi phí được ghi nhận trong báo cáo tài chính khi:
- Có khả năng tương đối chắc chắn sẽ phát sinh trong tương lai (các khoản chi phí trả trước).
- Khoản chi này phải được xác định một cách đáng tin cậy.
- Các khoản chi làm giảm bớt lợi ích kinh tế của doanh nghiệp. liên quan đến việc giảm tài sản, nguồn vốn, tăng nợ phải trả.
Ví dụ:
Ngày 30/03/2023, doanh nghiệp A thanh toán chuyển khoản tiền thuê văn phòng quý II, số tiền chưa thuế GTGT 10% là 60.000.000 đồng.
Như vậy, ngày 30/03/2023, kế toán doanh nghiệp A sẽ phải ghi nhận toàn bộ số tiền thuê nhà vào tài khoản chi phí trả trước.
Kế toán hạch toán như sau:
- Nợ TK 242: 60.000.000 đồng
- Nợ TK 1331: 6.000.000 đồng
- Có TK 112: 66.000.000 đồng
Sau đó, định kỳ mỗi tháng của quý II, kế toán sẽ phân bổ khoản chi phí trả trước này sang chi phí quản lý như sau:
- Nợ TK 642: 20.000.000 đồng
- Có TK 242: 20.000.000 đồng
3. Nghiệp vụ ghi nhận tài sản
Theo nguyên tắc cơ sở dồn tích thì doanh nghiệp ghi nhận tài sản khi họ được quyền quản lý, kiểm soát hoặc được bên bán chấp nhận chuyển giao quyền sở hữu và sử dụng tài sản đó. Đồng thời, doanh nghiệp đã thanh toán hoặc chấp nhận thanh toán để sở hữu hoặc quản lý và kiểm soát tài sản.
Ví dụ:
Ngày 30/05/2023, doanh nghiệp X bán cho doanh nghiệp A một chiếc xe ô tô Ford Everest với giá chưa thuế VAT 10% là 1.000.000.000 đồng. Doanh nghiệp A đã thanh toán chuyển khoản trong ngày. Khi đó, theo nguyên tắc cơ sở dồn tích thì xe ô tô Ford Everest sẽ là tài sản cố định thuộc quyền sở hữu, quản lý, kiểm soát của doanh nghiệp A và kế toán doanh nghiệp A sẽ hạch toán như sau:
Ngày 30/05/2023, kế toán hạch toán như sau:
- Nợ TK 211: 1.000.000.000 đồng
- Nợ TK 1331: 100.000.000 đồng
- Có TK 112: 1.100.000.000 đồng
Doanh nghiệp vi phạm nguyên tắc cơ sở dồn tích trong trường hợp nào?
Mặc dù, luật kế toán và các văn bản quy định về tài chính kế toán của Việt Nam khá chặt chẽ nhưng vẫn có một số trường hợp doanh nghiệp vô tình hoặc cố ý vi phạm các nguyên tắc cơ sở dồn tích.
Ví dụ như việc doanh nghiệp ghi nhận nghiệp vụ theo thời điểm nhận hóa đơn thay vì ghi nhận nghiệp vụ kinh tế theo thời điểm thực tế chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng và kiểm soát hàng hóa.
Lời kết
Nguyên tắc cơ sở dồn tích sẽ giúp doanh nghiệp lên báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh một cách chính xác. Từ đó, nhận định đúng về tình hình tài chính của doanh nghiệp. Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn đọc những kiến thức thực sự hữu ích.